23.12.2015

Nhìn xa hơn 2016: Có lẽ cơ hội tốt cuối cùng cho ĐCSVN để sửa lại cho đúng

Nhìn xa hơn 2016: Có lẽ cơ hội tốt cuối cùng cho ĐCSVN để sửa lại cho đúng
.
Tác giả: David E. Brown
Dịch giả: Trần Văn Minh

Đối với Hoa Kỳ, thời kỳ của một “Trung Hoa lục địa đang trỗi dậy” là một thách thức mới. Đối với Việt Nam, đó là sự lặp lại câu chuyện một ngàn năm (bị đe dọa). Tham vọng thống trị trên toàn Biển Đông của chế độ Bắc Kinh đã bào mòn tính chính danh của chính quyền cộng sản Hà Nội. Thật trùng hợp, nhà cầm quyền ở Hà Nội đang có những cử động hướng về một thỏa thuận chiến lược với Washington.



Mối quan hệ Việt-Mỹ đang phát triển hiện nay có dáng vẻ một số phận địa chính trị muộn màng nhưng chắc chắn. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi trong các bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam nắm toàn quyền, trong số những người ngoài đảng (96% trong số 93 triệu người Việt Nam), ý niệm liên kết mật thiết với Mỹ rất được hoan nghênh. Sự thịnh vượng hiện tại và tương lai của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào việc tiếp cận đến thị trường Mỹ và các đồng minh, và đến công nghệ và vốn của họ. Tuy nhiên, tự bản thân Việt Nam phải có can đảm chính trị để cải cách những luật pháp quốc nội đang hạn chế khả năng để biến sự tiếp cận vào thị trường thành một nguồn phồn vinh.


Bốn mươi năm sau khi kết thúc, cuộc chiến với Mỹ không còn dấy lên những cảm xúc mạnh ở Việt Nam. Hầu như không có ngoại lệ, người Việt Nam nhấn mạnh rằng họ không mang thù hận, một khái niệm bắt đầu chính thức từ năm 1988 khi Hà Nội thực hiện chính sách đối ngoại “thêm bạn bớt thù”. Khi đó, chính quyền không có lựa chọn nào khác; các nỗ lực sau khi thống nhất đất nước để công hữu hóa nông nghiệp, xây dựng ngành công nghiệp nặng từ dưới lên và phân bổ hàng hóa theo một kế hoạch trung ương đã thất bại, như các cố vấn Liên Xô của Việt Nam đã dự đoán. Vào thời điểm đó, chính khối Xô Viết đang sụp đổ, và cũng đi theo là sự trợ giúp huynh đệ đã giữ cho nền kinh tế Việt Nam chỉ đủ sống còn trước lệnh cấm vận thương mại do Mỹ tổ chức.

Về nội bộ, Hà Nội chủ trương đổi mới, hay cải cách kinh tế. Đại hội Đảng đã mở đường cho Việt Nam đi vào ‘kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa,’ một cái gì đó có vẻ giống chủ nghĩa tư bản. Thật vậy, động lực tư bản đã nổi lên lấp đầy khoảng trống kinh tế mà các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phục vụ yếu kém. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp nhà nước không bị giải tán, cũng như – mặc dù nông nghiệp không còn bị công hữu hóa – không thực sự trả lại quyền sở hữu đất đai cho nông dân.
Quá trình chuyển đổi kinh tế-xã hội không hoàn chỉnh đó đã vận hành khá tốt trong hai thập niên. Năm này đến năm khác, kinh tế Việt Nam tăng khoảng 7% mỗi năm. Xuất khẩu gạo và cá, cà phê và hạt điều tăng vọt. Các nhà đầu tư từ Đại Hàn, Nhật Bản và Đài Loan cung cấp kiến thức và vốn cho các ngành công nghiệp lắp ráp giày dép và hàng may mặc. Hầu như tất cả mọi người đã khá hơn. Mặc dù sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng rõ rệt, sự chênh lệch này cũng chủ yếu nhắc tới mong ước làm giàu.


Đến năm 2007, Việt Nam được thu nhận vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và trở thành một trụ cột của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với thu nhập bình quân đầu người lên đến 1000 USD, 10 lần so với mức năm 1989. Chính quyền Hà Nội đã gầy dựng hàng chục mối quan hệ hợp tác với nước ngoài. Đặc biệt đáng kể là mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung cộng.

Mặc dù mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung cộng và với Mỹ được thúc đẩy bằng tính thực dụng, nhưng ý thức hệ đã đặt định những quan hệ đó.
Luôn luôn cận kề một cách khó chịu và đòi hỏi sự tôn trọng của một người em dành cho người anh cả, Trung cộng là một vấn đề trọng tâm cho các triều đại của Việt Nam cả hơn một ngàn năm. Phần lớn thời gian đó, hai quốc gia cũng khá hòa thuận với nhau. Sự giao tiếp của giới ưu tú với Trung cộng đã định hình văn hóa Việt Nam. Đoàn quân của Hồ Chí Minh không thể bào mòn quân đội Pháp và Mỹ mà không có sự trợ giúp huynh đệ từ Trung cộng của Mao Trạch Đông. Sau này, khi Hà Nội chọn đi theo Bắc Kinh một cách muộn màng trên “con đường tư bản chủ nghĩa”, lãnh đạo Việt Nam dành ưu tiên cao cho các đối tác Trung cộng đặt mối quan hệ với các cấp của Đảng và nhà nước.

Tuy nhiên, sự hợp tác với Bắc Kinh thường dễ xảy ra đụng chạm. Chủ đề quen thuộc của lịch sử Việt Nam là thành công chống lại quân xâm lược. Như tất cả các học sinh Việt Nam đều biết, các đội quân xâm lược thường nhất là người Trung Hoa. Năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã bị thất bại khi ông ấy cố tình “dạy cho Việt Nam một bài học” sau việc phế truất chế độ Pol Pot ở Campuchia.


Sau khi quan hệ ngoại giao được khôi phục vào năm 1995, Hoa Kỳ trở thành một thị trường hấp dẫn cho hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, ĐCSVN tiếp tục cảm nhận được một sự đe dọa. Mặc dù đảng cầm quyền đã từ bỏ hầu hết chủ nghĩa Mác, họ vẫn mang đậm nét Lê Nin trong quyết tâm nắm chặt đời sống chính trị của Việt Nam. Đối với các viên chức có trách nhiệm về an ninh nội địa tại Việt Nam, Mỹ vẫn chưa từ bỏ các ý định thù địch. Người Mỹ chỉ đơn giản trở nên tinh tế hơn, truyền thông của Đảng nói, tuyên truyền “khái niệm xã hội dân sự” và “âm mưu thúc đẩy thế lực diễn biến hòa bình.”

Chừng nào nền kinh tế của Việt Nam bùng phát và Trung cộng thuyết phục được các nước láng giềng rằng tiến trình trỗi dậy thành cường quốc sẽ xảy ra trong hòa bình, thái độ nghiêng về phía Trung cộng của chế độ Hà Nội và mong muốn của công chúng có mối quan hệ ấm áp hơn với Hoa Kỳ là một bất đồng có thể quản lý được.

Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, chính quyền Hà Nội đã thất bại trong việc ứng phó với sự suy thoái toàn cầu nghiêm trọng. Khi thị trường xuất khẩu của đất nước giảm mạnh trong năm 2008, lãnh đạo Việt Nam giải quyết bằng cách thúc đẩy nhu cầu trong nước cho đến khi khách hàng nước ngoài quay trở lại. Họ làm việc này chủ yếu bằng cách điều hướng tín dụng tới khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Điều ngạc nhiên là rất ít nỗ lực được bỏ ra để giám sát cách các DNNN nầy dùng sự hào phóng của Ngân hàng Nhà nước. Phần lớn tín dụng đi vào các đề án phát triển bất động sản không liên quan đến ngành kinh doanh thông thường của các DNNN. Cũng có một phần khá nhiều đi vào việc mua lại hoặc tạo ra các ngân hàng mới rồi sau đó tạo ra thêm tín dụng và cho các cổ đông của họ vay lại.


Trong năm 2010, bong bóng bất động sản bị vỡ. Người vay lũ lượt bị vỡ nợ, các ngân hàng nhà nước bị mắc kẹt với một tỷ lệ khổng lồ các món nợ xấu. Các kiểm tra viên cho rằng khoản nợ này hiện nay tổng cộng ít hơn 4% tài sản của hệ thống ngân hàng; các cơ quan xếp hạng tín dụng ngoại quốc nhất định rằng con số thực tế là gần 15%.

Thêm nữa, tập đoàn đóng tàu Vinashin mà Hà Nội đã bơm vào 4 tỷ USD, cần phải được giải cứu. Kẻ kế tiếp rơi vào phá sản là công ty vận chuyển đường biển và điều hành cảng biển, Vinalines. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng khen tặng cả hai công ty như là một mô hình mới cho các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó vào năm 2009, Bắc Kinh lại khơi lên tuyên bố quyền bá chủ của Trung Quốc “từ thời cổ đại” trên toàn vùng Biển Đông. Ngoài khơi bờ biển dài của Việt Nam, tàu Trung cộng gia tăng sách nhiễu ngư dân Việt Nam và can thiệp vào các hoạt động thăm dò dầu và khí đốt.


Kết nối với mạng, dân chúng lên tiếng

Những sự kiện này trùng hợp với một cuộc cách mạng thông tin. Mặc dù từ lâu đã có một thành phần nhỏ bất đồng chính kiến với nhà nước CHXHCNVN, họ không có phương tiện để đến với số lượng lớn khán giả cho đến khi có sự bùng nổ của Internet. [1] Từ 200.000 người dùng vào năm 2000, số người tham gia mạng điện toán tại Việt Nam đã tăng lên đến 40 triệu người, khoảng 55% người Việt trên 14 tuổi.


Khi ngày càng nhiều người dân tham gia vào mạng, họ tìm thấy một môi trường đầy dẫy ý kiến khác biệt về các chủ đề mà phương tiện truyền thông hợp pháp của Việt Nam bị cấm không được loan tải. Hiện nay, ngoài tầm với sự kiểm duyệt của chế độ, các trang blog loan tải những vấn đề công cộng quan trọng nhận được hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày. Tài khoản Facebook, trong đó hơn 30 triệu người Việt truy cập thường xuyên, đầy dẫy đàm thoại về chính trị.

Ví dụ, người lướt mạng trong năm 2008 đã biết được rằng chính phủ đã cấp giấy phép cho Công ty Nhôm Trung cộng khai thác mỏ bauxite ở vùng cao nguyên. Cuộc thảo luận hồi đầu nhấn mạnh đến những tác động xã hội và môi trường của dự án, nhưng ngay sau đó biến thành cuộc tranh luận công khai chưa từng có về sự nhượng bộ của đảng và nhà nước trước Trung cộng, gây thiệt hại cho an ninh quốc gia.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kinh tế của Việt Nam trở nên trầm trọng hơn. Năm 2011 chính quyền bị buộc phải thắt chặt tín dụng. Một số lớn nhà kinh tế kết luận rằng, động lực do chính sách đổi mới giải tỏa đã bốc hơi. Tâm trạng quần chúng thì cáu kỉnh. Người ngoài đảng thì được công khai trút sự bất mãn lên nhau. Có lẽ công an đang lắng nghe, nhưng những nhà bất đồng chính kiến cảm nhận sự an toàn trong số lượng, và có nhiều chuyện để than phiền: sự phá sản của hàng trăm ngàn doanh nghiệp và các nhà đầu tư nhỏ, tham nhũng vặt, sự tàn bạo của cảnh sát, việc đi đến chăm sóc sức khỏe và giáo dục không công bằng, điện bị cắt liên tục và thái độ hòa giải của chính quyền đối với các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở ngoài biển.


Bế tắc

ĐCSVN rõ ràng cũng đang gặp khó khăn. Rất ít trong số những người sáng lạn và giỏi nhất chọn nghề theo Đảng. Những người chọn lĩnh vực công chức thường ít quan tâm đến hệ tư tưởng; mục tiêu chính của họ là danh lợi. Theo nhà phân tích Alexander Vuving, nhiều cán bộ cao cấp của Đảng không phải bảo thủ và cũng không cấp tiến, nhưng chỉ đơn giản là những kẻ cơ hội đã tìm được một trạng thái yên ổn. [2] Vuving giải thích như sau: Chủ nghĩa tư bản cho nhiều cơ hội để kiếm lợi nhuận, trong khi chủ nghĩa cộng sản cung cấp độc quyền quyền lực. Sự hỗn hợp của hai yếu tố tạo điều kiện cho việc dùng tiền để mua quyền lực và sử dụng quyền lực để kiếm tiền.

Có lẽ vì quá nhiều các lãnh đạo của họ đã đầu tư vào vị thế hiện tại, ĐCSVN từ lâu đã không thể giải quyết một số vấn đề. Như đã được thấy, một trong những vấn đề đó là lập trường của Việt Nam, một mặt, đối với Trung cộng, và mặt kia với các nước phương Tây. Một vấn đề khác là vai trò của nhà nước trong kinh tế; nhà nước có nên tham gia vào kinh tế, thông qua việc kiểm soát nhiều doanh nghiệp lớn, hay cần tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và tập trung vào việc tạo điều kiện cho phép các doanh nghiệp tư nhân phát triển? Ngoài ra, đã có cuộc tranh luận liên hồi trong nội bộ đảng về quản lý thông tin (trong khi thập niên qua, khả năng kiểm soát phương tiện thông tin của nhà nước đang vuột đi) và về việc liệu các hoạt động của đảng nên bị ràng buộc bởi pháp luật và chịu sự khảo sát của quan tòa độc lập.

Tại Đại hội Đảng vào năm 2001, 2006 và 2011, mặc dù đã có nhiều cuộc tranh cãi về nạn tham nhũng lan rộng, quản lý yếu kém và tính chính danh của Đảng đang suy thoái, sự đồng thuận về cải cách đích thực đã vượt quá tầm tay. Mỗi lần đại hội, các chức vụ được phân phối chủ yếu với quan điểm để nhằm duy trì sự cân bằng giữa các phe phái và khu vực. Cán bộ lớn tuổi về hưu và cán bộ trẻ được thăng chức, nhưng bế tắc chính sách vẫn còn đó.


Người của thời khắc?

Với một cách lắt léo – cụ thể là, thông qua một bước đi táo bạo để khai trừ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – ĐCSVN tìm cách giải quyết những vấn đề này. Dũng đã gây lo sợ cho các đồng chí trong Bộ Chính trị khi ông ấy, một cách rõ ràng và năng động, xây dựng một mạng lưới chính trị của những người ủng hộ. Đầu tiên là một phó thủ tướng và sau đó là người đứng đầu chính phủ, ông Dũng có khá nhiều sự bảo trợ để phân phát. Ông cố gắng tạo nên hình ảnh một người khôn khéo về các vấn đề thế giới và có khuynh hướng cải cách. Trong một nhóm cầm quyền coi trọng trách nhiệm tập thể, tham vọng của thủ tướng nổi bật lên.


Tới giữa năm 2012, đa số áp đảo trong Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên đã bỏ phiếu loại bỏ ông Dũng. Trong tình hình như vậy, phản ứng thông thường là ra đi một cách lặng lẽ. Ông Dũng từ chối. Ông thu về các món nợ chính trị và chiến thắng với sự đảo ngược bất ngờ quyết định của Bộ Chính trị tại một cuộc họp Ủy ban Trung ương Đảng hai tháng sau đó. Được biết, cuộc đấu tranh không gay go. Kể từ đó, Dũng đã điều hành nhà nước Việt Nam như thể sự hợp tác của các đồng nghiệp ở Bộ Chính trị không còn cần thiết.
Được biết, thủ tướng là một kẻ cơ hội khôn lanh, đã đáp lại sự nóng lòng của quần chúng về sự thay đổi. Trong một bài phát biểu đầu năm được hoan nghênh rộng rãi hai năm trước, ông Dũng đã thông qua một ý tưởng cấp tiến rằng: công việc của nhà nước là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bình thường phát huy tiềm năng sáng tạo của họ. Ông đã phân bổ nội các của ông với những nhà quản lý tài năng và hiện nay, các nguồn tin cho biết, ông chăm chú lắng nghe ý kiến của một thế hệ kinh tế gia thông minh được du học ở phương Tây.


Những nhà kinh tế đó cho rằng trừ khi cải cách cơ cấu để mang trở lại tốc độ tăng trưởng lên 7% hoặc 8% hàng năm và năng suất lao động gia tăng, Việt Nam sẽ không đạt tới hạng bậc của các nền kinh tế tiên tiến. Đó là do tỷ lệ sinh sản giảm mạnh; lực lượng lao động trẻ, có khả năng, và mức lương tương đối thấp của đất nước – “cơ cấu dân số vàng” – sẽ bắt đầu co lại vào năm 2025. Chính phủ dường như đã lắng nghe lời khuyên. Văn phòng chính phủ đã điều chỉnh các quy định để tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài. Cả vốn và công nghệ đang tràn vào Việt Nam. Việt Nam là một thành viên sáng lập của Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được ký tắt vào đầu tháng 11. Tuy nhiên, điều vẫn đang được mong chờ là hành động kiên quyết để thu nhỏ khu vực kinh tế Nhà nước và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nội địa.


Trục xoay của Việt Nam

Chính sách đối ngoại, ông Dũng nói, là hoàn toàn về “xây dựng lòng tin chiến lược.” Trong cuộc theo đuổi bá quyền ở Biển Đông, Trung cộng đã đánh mất lòng tin của Việt Nam; Mỹ đang trên đường đạt tới – và đó là một sự thay đổi mang tính thời đại, củng cố thêm vị thế của các nhà cải cách Việt Nam.

Khi Bắc Kinh gửi giàn khoan dầu HD-981 vào khu vực có tiềm năng dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 6 năm 2014, họ có lẽ mong đợi chỉ có sự van xin không hiệu quả từ phía Hà Nội. Thật vậy, hầu hết các ủy viên Bộ Chính trị đã đáp ứng đúng như thế. Tuy nhiên, ông Dũng phản ứng bằng cách ra lệnh cho các tàu tuần duyên và tàu đánh cá Việt Nam quấy rối đội tàu của Trung cộng. Sự phản kháng gan dạ của họ đã khuấy lên sự lên án Trung cộng ở nước ngoài và khuấy động niềm tự hào ở quốc nội.


Sau khi Bắc Kinh rút giàn khoan dầu về, giới bảo thủ trong Đảng thừa nhận rằng một tư thế hạ mình về phía Bắc Kinh không còn ngăn ngừa được sự xâm lược. Vì thế, Việt Nam khởi sự tái cân lại quan hệ với hai cường quốc. Trong những tháng sau đó, ủy viên cao cấp của cái gọi là phe thân Trung cộng của Đảng đã đến từng người một thăm Washington. Cuộc thăm viếng đã được các nhà ngoại giao Mỹ và Việt Nam sắp xếp rất kỹ lưỡng, và các tín hiệu đều tốt. Một năm sau cuộc đối đầu với Trung cộng, lãnh đạo đảng hàng đầu của Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã gặp Tổng thống Obama tại phòng Bầu Dục.

“Đó thực sự là một cuộc họp lịch sử. Tòa Bạch ốc thừa nhận cơ cấu chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng”, ông Trọng đánh giá sau đó.
Một nhà cải cách khác thường và một chương trình cải cách
Tại Đại hội Đảng lần thứ 12 vào đầu năm tới, ĐCSVN sẽ quyết định ai lãnh đạo Đảng cho đến năm 2020. Cưỡi sóng bởi một chuỗi những thành công chính trị, ông Nguyễn Tấn Dũng là người được nhiều hy vọng không chỉ để nắm lấy vị trí lãnh đạo Đảng, mà còn có thể để cài đặt thân tín vào chức Thủ tướng và các vị trí quan trọng khác. Ông Dũng có vẻ như sẵn sàng xuất hiện từ Đại hội với quyền kiểm soát Đảng và nhà nước nhiều hơn bất cứ ai kể từ Tổng Bí thư Lê Duẩn, nửa thế kỷ trước.


Tuy nhiên, triển vọng về một Đảng trưởng quá cam kết với cải cách có thể kích hoạt một phản ứng “chọn bất cứ ai ngoài Dũng”. Nhà quan sát Việt Nam kỳ cựu, Carl Thayer, phân tích rằng đó là lý do tại sao các cuộc họp Ban chấp hành Trung ương để chuẩn bị cho Đại hội 12 dường như có rất ít tiến bộ. Đối với nhiều người trong Đảng, đặc biệt là trong các tổ chức cấp tỉnh, thành phố và trong từng doanh nghiệp nhà nước, hiện trạng đang rất thoải mái. Với một số ít Đảng viên, ý thức hệ vẫn còn quan trọng; họ xem lời hứa của ông Dũng về sự cởi mở hơn trong chính phủ như là một mật hiệu về các thực nghiệm nguy hiểm với đa nguyên. Nhưng, đối với đa số, mối quan hệ ràng buộc họ với Đảng là lợi ích riêng tư.


Ngoài Đảng, trừ một tập hợp bất đồng chính kiến vẫn tương đối nhỏ, người Việt Nam hiện nay không ở trong tâm trạng cách mạng. Xuất khẩu đang bùng nổ. Thu nhập bình quân hàng năm đã nhích lên đến hơn 2000 USD, gấp đôi so với mức năm 2007. Thông thường, người Việt ngoài đảng chỉ hy vọng rằng Đảng sẽ tự sửa chữa lỗi lầm và cung cấp cho Việt Nam lớp lãnh đạo cương quyết, đứng đắn và công bằng. Họ sợ sự hỗn loạn có thể sẽ xảy đến trong nỗ lực tháo dỡ sự cai trị độc đảng. Càng mạnh mẽ theo đuổi chương trình cải cách, ông Dũng càng được giới bên ngoài đảng yêu thích, đặc biệt là với tầng lớp kinh doanh và chuyên gia của đất nước.


Tuy nhiên, để thành công trong vai trò nhà cải cách, ông Dũng phải thuyết phục thành phần đảng viên của ông vứt bỏ “xã hội chủ nghĩa thị trường” (có nghĩa là, sự tham gia trực tiếp vào nền kinh tế) và tập trung vào quản lý kinh tế tiên tiến. Chính sách nên nhằm mục đích tạo điều kiện cho các nhà sản xuất Việt Nam có được tín dụng và công nghệ cần thiết để gia nhập chuỗi giá trị xuất khẩu. Nông dân nên được quyền sở hữu trên mảnh đất họ cày. Doanh nghiệp nhà nước vừa bị thua lỗ lẫn kém sức cạnh tranh phải được giải tán. Phe giáo điều sẽ chống lại, nhưng ý nghĩa kinh tế này thật thuyết phục. Ý nghĩa chính trị cũng vậy: hành động cải cách có tính quyết định sẽ bảo đảm vị thế lãnh đạo của Đảng trong nhiều năm tới.



David Brown, nhà ngoại giao Mỹ về hưu, từng làm việc tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn từ 1965-1969.

Brooking là Viện Nghiên cứu chính sách lâu đời nhất ở Washington. Thành lập năm 1916, Brookings được nhiều người xem là một trong những think-tank có uy tín nhất ở Mỹ và là một trong các viện nghiên cứu ảnh hưởng nhất thế giới. Bài viết của ông David Brown đăng trên Viện Nghiên cứu Brookings, giúp người Mỹ có cái nhìn mới nhất về mối quan hệ giữa hai nước.