01.12.2015

'Giúp tự do hơn là cấp viện bằng tiền'

'Giúp tự do hơn là cấp viện bằng tiền'

BBC tiếng Việt
Phụ nữ Uganda đấu tranh

Một ý kiến từ Hoa Kỳ nói thúc đẩy tự do sẽ giúp người nghèo trên thế giới hơn là dùng tiền để cấp viện cho các chính phủ tham nhũng, áp bức.


Ông William Easterly, giáo sư kinh tế học từ New York University nói:
"Người nghèo biết rõ nhất họ cần làm gì để cải thiện đời sống, trong việc chọn ngành nghề, trồng cấy và sử dụng đất,"

Vì thế, các chính phủ Anh, Mỹ và các quỹ từ thiện cần giúp họ giành các quyền làm việc đó.

Trong bài trên Sunday Times 29/11/2015, tác giả cho rằng có những phần từ các khoản viện trợ củ̀a Ngân hàng Thế giới, các chính phủ và nhà hảo tâm, gồm cả tỷ phú Bill Gates, đã giúp các chế độ áp chế.

Giải pháp chỉ mang tính kỹ thuật?

Đây không phải là chuyện mới, ông Easterly nêu ví dụ từ một vụ cưỡng chế đất tại Mubende, Uganda từ 2010.
Quân đội dùng súng đàn áp 20 nghìn dân Uganda, đẩy họ ra khỏi cộng đồng làng mạc để lấy đất cho một dự án có tiền của công ty Anh và Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Theo Giáo sư Easterly, các định chế quốc tế đôi khi đóng vai hệt như chế độ thuộc địa ngày trước ở châu Phi: nhân danh phát triển và trợ giúp kỹ thuật để "cải tạo đời sống người dân nghèo, lạc hậu".

William Easterly: 'Gates ôm ấp ảo tưởng kỹ trị'

Ông trích lời Lord Hailey từ năm 1938 bào chữa cho thực dân Anh ở châu Phi rằng "người nghèo không quan tâm đến các quyền chính trị mà chỉ muốn cuộc sống được cải thiện.

Ngày nay, các đại công ty, các chính phủ Phương Tây và nhiều quỹ từ thiện cũng cho rằng vấn đề nhân đạo, các quyền sở hữu đất là thứ hoàn toàn có thể bỏ qua.

Ngay cả ông Bill Gates, theo Giáo sư William Easterly, cũng có ảo tưởng về giải pháp kỹ thuật:
"Gates ôm ấp đúng thứ ảo tưởng kỹ trị và như không ý thức được rằng các nhà độc tài không hề tạo ra tiến bộ mà chỉ tạo ra đói nghèo."

Quỹ của Bill Gates đã chi 265 triệu USD cho các dự án y tế và phát triển tại Ethiopia trong 10 năm qua và có "quan hệ tuyệt vời" với chế độ của ông Meles Zenawi.

Theo ông Easterly, điều tốt nhất các nước Phương Tây nên làm để cải thiện tình hình của người nghèo trên thế giới là thúc đẩy cuộc đấu tranh vì tự do, giúp nông dân có quyền định đoạt về ruộng đất của chính họ.

"Nếu có quyền sở hữu đúng đắn, người nông dân sẽ chọn cho họ cách khai thác đất tốt nhất, họ cũng biết hoàn cảnh của mình tốt hơn giới chuyên gia từ bên ngoài, và sẽ có động cơ tốt để sử dụng đất phù hợp với chính họ và khách hàng."

Gần đây có thêm nhiều ý kiến đặt câu hỏi về viện trợ từ Phương Tây có đạt được mục tiêu giảm đói nghèo và giúp các xã hội, cộng đồng lạc hậu thăng tiến hay không.

Nhà báo Ben Riley-Smith trong bài trên báo Anh, Telegraph 31/10/2014 phê phán chính phủ Anh đã tăng tiền viện trợ phát triển hải ngoại lên 28% năm trước đó.

Năm 2015, Anh Quốc cam kết chi cho mục tiêu viện trợ ở nước ngoài 12,75 tỷ bảng Anh.
Nhưng dù Anh chi 0,7 % GDP để cấp viện, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, nhiều khoản tiền từ Anh Quốc đã "chi cho các hoạt động tham nhũng, đàn áp".

Nhà báo Riley-Smith trích báo cáo của Ủy ban Độc lập và tác động của viện trợ (Independent Commission for Aid Impact) cho rằng Anh đã giúp chính quyền Ethiopia hơn 1 tỷ bảng trong khi an ninh Ethiopia "tra tấn, giết và hãm hiếp người dân".

Viện trợ của Anh cũng giúp cho cảnh sát ở Nigeria và Nepal dù giới vận động nói những công an viên này "nhận hối lộ theo cách vô cùng xấu xa".
Các tờ báo Anh nói trong năm 2014, chừng 450 triệu bảng Anh đã được cấp cho 10 quốc gia "tồi tệ nhất" về các vấn đề nhân quyền.

Chính phủ Anh luôn nói họ nghiêm túc xem xét các khoản viện trợ và có các chương trình chống nạn tham nhũng ở những nước nhận viện trợ.
Cuối năm 2014, Anh và các nhà cấp viện gồm EU, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Nhật...đã cùng đồng ý ngưng khoản 490 triệu USD cho Tanzania sau khi xảy ra vụ quan chức nước này chuyển 122 triệu USD thẳng từ tài khoản ngân hàng trung ương sang cho họ.

Tự do khai thác

Cũng liên quan đến tăng trưởng kinh tế và quyền sử dụng đất, các báo tiếng Anh gần đây đã bắt đầu phê phán ý thức hệ 'chủ nghĩa tự do' trong kinh tế, hàm ý tự do khai thác các nguồn lợi vì sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Làn sóng nông dân nghèo mất đất nay đổ về đô thị Việt Nam

Một bài trên The Guardian hồi tháng 4/2015 nói rằng chủ nghĩa tư bản tự do trong phát triển kinh tế có mặt trái của nó khi áp dụng tại Việt Nam.

"Dù có mở rộng thành công kinh tế khá nhanh, Việt Nam nay có vấn đề bất công trở lại, theo Ngân hàng Thế giới. Từ 2004 đến 2010, thu nhập của 10% dân nghèo nhất đã giảm đi 1/5, còn 5% những người giàu nhất nay bỏ túi gần 1/4 thu nhập cả nước,"

"Bất bình đẳng cao nhất là vùng nông thôn. Hàng triệu nông dân bị đẩy khỏi ruộng đất của họ để lấy chỗ cho các nhà máy, đường xá.
Đầu thập niên 1990, gần như tất cả các hộ nông dân (91.8%) còn có đất. Đến 2010, gần một phần tư (22.5%) trở thành người dân mất đất."

"Làn sóng nông dân nghèo nay đổ về đô thị và họ góp mặt cùng hàng trăm nghìn công nhân từ các cơ xưởng của nhà nước bị sa thải."

Nay, Việt Nam vừa có một hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa độc đoán lại vừa có một ý thức hệ tự do tư bản không ai kiểm soát, theo trang báo Anh.