21.09.2015

LÀN SÓNG NGƯỜI TỴ NẠN ĐẾN ĐỨC - Nguyễn Quý Đại

LÀN SÓNG NGƯỜI TỴ NẠN ĐẾN ĐỨC

Trong thời gian qua Liên Minh Âu Châu phải nhức đầu về vấn đề khủng hoảng kinh tế Hy Lạp. Bộ trưởng tài chính các nước khu vực sử dụng đồng Euro. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoàn tất dự thảo thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD) trong vòng ba năm, trước khi Hy Lạp đến hạn thanh toán 3,4 tỷ euro cho ECB vào ngày 20/8. Vấn đề cứu trợ này tránh cho Hy Lạp bị phá sản, tạm ổn định, đồng Euro không bị mất giá. Trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ tạm lắng, nợ Hy Lạp còn đang phải tháo gỡ, thì xảy ra làng sóng di dân, tỵ nạn đến Châu Âu khiến gánh nặng kinh tế - xã hội của khu vực càng gia tăng.


Những bước leo thang ngày càng nghiêm trọng, con số người tỵ nạn liên tục tăng lên theo cấp số nhân. Dòng người tỵ nạn tràn qua biên giới đã khiến nhiều quốc gia bất lực và EU thực sự đang “bối rối”, không biết nên giải quyết vấn đề như thế nào? Theo thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn cuộc nội chiến của Syria giết chết 250.000 người hàng triệu người bị thương. Khoảng 11 triệu người đang chạy trốn chiến tranh:1,5 triệu người đến Libanon; 750.000 đến Jordanien; 2 triệu đến Turky … Người tỵ nạn đến Âu Châu chỉ muốn tới Đức xin định cư. Riêng tại Đức đã có ba nhóm người nhập cư khác:

Người di cư có nghề làm việc tại Đức: từ Ba Lan, Thụy Điển hoặc Tây Ban Nha.

Người di cư nghèo từ: Bulgaria và Romania.

Người tỵ nạn chiến tranh từ Syria, Iraq, Afghanistan... và một số người lợi dụng làn sóng đó cũng chạy đến Âu Châu xin tỵ nạn như: Kosovo, Niger, Somalia, Serbia, Albania, Macedonia, Eritrea, Guinea...Dù được công nhận tỵ nạn hay không, họ đến Đức tạm thời để có được: ăn, ở, quần áo, chăm sóc y tế và người độc thân được phát mỗi tháng 143 € tiền mặt, vợ chồng mỗi người 129€, trẻ em tuỳ theo tuổi từ 84€ -92€. Người được tỵ nạn lãnh tiền 346 € hàng tháng. Từ năm 2014 người Romania và Bulgaria di dân đến Đức được hưởng Hartz IV là tiền trợ cấp xã Hội và tiền Kindergeld cho trẻ em (con đầu 188€, thứ hai 194€, thứ ba trở đi 219€, năm 2016 tăng thêm 20€). Dù nước Đức có nền kinh tế mạnh nhất Âu Châu, nhưng xã hội bị xáo trộn vì nhiều người thuộc khối Đông Âu thời cộng sản cũ tới ăn xin, xảy ra những tệ nạn xấu như móc túi, mại dâm.

Nước Đức chấp nhận cứu xét cho những người Syria ở Đức xin tỵ nạn, chính phủ dự trù bỏ ra hàng chục tỷ Euro cho họ định cư, 8 tháng đầu của năm 2015 Đức phải nhận 413.000 người xin tỵ nạn. Đầu tháng 9 Thủ tướng Angela Merkel (CDU) và Thủ tướng Áo ông Werner Faymann cùng đồng ý những người tỵ nạn bị kẹt tại Budapest ở Hungary được phép đến Áo và Đức không qua thủ tục làm đơn xin nhập cảnh.

Thủ tướng Orban Hungary kêu gọi Áo và Đức đóng cửa biên giới nếu không "vài triệu" người sẽ tiếp tục đến Âu Châu. Ở Afgahnistan hàng ngày hơn 1000 người xin thông hành (Passport) để ra nước ngoài với con đường xin tỵ nạn! hơn 100 ngàn người đã tới Đức!

Giám đốc điều hành của đảng CSU trong quốc hội, ông Max Straubinger đề nghị trả những người nầy trở nguyên quán. "Không phải ở khắp mọi nơi ở Syria đang chiến tranh”. Straubinger chỉ trích chủ tịch đảng SPD Sigmar Gabriel, trong cuộc phỏng vấn của đài ZDF ngày 8.9.2015 đã nói rằng “Đức sẽ nhận nửa triệu người tỵ nạn mỗi năm trong một vài năm tới có thể nhiều hơn.". Các chính trị gia CSU và Thống đốc tiểu bang Bayern ông Horst Seehofer (chủ tịch CSU) phê bình chính sách tỵ nạn của Thủ tướng Merkel là một "sai lầm". Yêu cầu của Thủ tướng Angela Merkel định vị rõ ràng trong vấn đề người tỵ nạn.

Thị trưởng München Dieter Reiter (SPD): cho biết từ ngày 31 tháng 8, hơn 70.000 người tỵ nạn, di dân tới nhà ga chính München. Những ngày cuối tuần, hơn 1000 tình nguyện viên tham gia giúp đở trong đó có người Việt, phân phối thức ăn, nước, chuối, táo .... Quần áo cho những người mới đến. Chính quyền địa phương không thể tìm đủ chỗ chứa! nhiều người đến trong đêm phải ngủ lại ở nhà ga dù thời tiết vào thu đã lạnh! Chỉ hơn 2 tuần “mở cửa biên giới” lên đến trình trạng báo động dòng người di dân, tỵ nạn tràn ngập München/ Munich.

Hungary kiểm soát biên giới có hàng rào cao 4 m dài 175 km tử ngày 14/9.  Croatia nói sẽ cho phép di dân đi qua nước này để đến Áo sang Đức, nhưng trong hai ngày Croatia cũng đóng cửa biên giới trước dòng người quá đông trên 15.000 người. Dù cảnh sát Đức-Áo cùng kiểm soát biên giới nhưng hàng ngày có hơn 1 ngàn người đến tiểu bang Bayern, nhà ga München... Còn hàng ngàn người ở nhà ga Salzburg Áo muốn đến Đức đang bị ngăn chận. Vì München quá tải chính quyền phải phân phối số người đi đến các tiểu bang khác. Chuyến tàu lửa chở 500 người đến Berlin trên đường tàu bị kéo thắng đứng lại nhiều lần, 199 người bỏ trốn muốn ở lại Bayern!  

Từ trưa thứ Bảy ngày 19.9 khai mạc lễ Hội Bier Tháng Mười (Oktoberfest) trong 2 tuần lễ hơn 6 triệu du khách tới tham dự, vấn đề anh ninh kiểm soát rất nghiêm, không thể để người nhập cư tới trong thời gian nầy, nếu có đều bị bắt giữ! 

Đảng CSU hỗ trợ đường lối cứng rắn của thủ tướng Viktor Orban của Hungary.  Công dân các quốc gia ngoài biên giới Âu Châu theo Hiệp uớc Schengen người nào muốn vào một quốc gia nào của Âu Châu phải có Visa, phải ghi danh tại quốc gia đến đầu tiên, giấy tờ hợp lệ có thể đi đến các nước trong Liên Hiệp Âu Châu.

Luật lệ trong hiệp ước Schengen về biên giới mở ngỏ theo thỏa thuận đạt được năm 1995, và khởi sự bãi bỏ việc kiểm soát biên giới giữa các thành viên và cho phép khác nước ngoài du hành trong khắp khu vực “không có biên giới” mà chỉ cần có một giấy phép thị thực. Đức nhất thời đình chỉ hiệp ước Schengen, cảnh sát đã bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra tại những giao điểm với Áo các quôc gia lân cận với Ba Lan, Cộng hòa Czech, Pháp, Thuỵ Sĩ. Cộng Hòa Czech cho biết sẽ gia tăng kiểm soát biên giới tiếp giáp với Áo. Buộc phải làm như vậy để hạn chế luồng người đến từ Syria, Afghanistan, Eritrea và các nước khác, chạy trốn bạo lực và nghèo đói. Thống đốc tiểu bang Bayern / Bavaria ông Horst Seehofer nói trong cuộc họp báo: "Việc kiểm soát biên giới đang hết sức cần thiết, là một giải pháp toàn diện để thiết lập trật tự”

Dòng người di dân, tỵ nạn chỉ mượn đường qua Áo để đến Đức, Đan Mạch, Thuỵ Điển. Họ không muốn ở lại Hungary hay Áo, thân phận đi tỵ nạn mà còn kén chọn nơi đến. Người Đức cũng e ngại bọn IS khủng bố lợi dụng người theo Hồi Giáo đến nhập cư gây nên một số dư luận đáng chú ý và lo ngại. Các tiểu bang cũng từ chối không còn chỗ để nhận thêm người. Nhiều vấn đề tranh cãi trước làn sóng người nhập cư tăng một triệu người “Hồi Giáo” làm sao có thể giải quyết chỗ ở để họ có thể “an cư lạc nghiệp”. Hội nhập tốt vào xã hội Tây phương? về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo phải xây bao nhiều đền thờ cho họ cầu nguyện mỗi ngày 5 lần?

Tại Munich còn thiếu nhà xã hội cho dân bản xứ, nhà tư nhân nếu người không có việc làm, chủ nhà không cho thuê mướn, nhà cho thuê khoảng 70 m2 mỗi tháng phải trả 1300€, nhà mới xây bán mỗi m2 trên 6000€! Các thành phố bên Đông Đức cũ nhà còn bỏ trống vì phần lớn bỏ sang phiá Tây đi làm sau khi dẹp bức tường ngăn cách, những người địa phương bên đó còn kỳ thị không phải dễ ở, có nhà nhưng không tìm được việc làm cũng là một vấn đề! Trong khi Đức thất nghiệp 2,8 triệu người, muốn nuôi 1 triệu người tỵ nạn, di dân phải tăng thuế thì đụng đến quyền lợi của người dân không thể tránh được việc chống đối! Hiện nay các nhóm cực hữu Nazi Đức (Pegida, NPD...) từng biểu tình phản đối, nén bom xăng đốt các chung cư tỵ nạn.

 (Theo thống kê dân số người Đức không sinh con, người già nhiều hơn. Chính phủ cần có giới trẻ đi làm để trả tiền hưu trí cho người già. Hiện nay số người ngoại quốc khoảng hơn 15 triệu người, mọi gia đình đều sinh con đi làm đóng thuế, đời sống hội nhập tốt. Chính phủ muốn nhận người vào được cả hai, là nhân đạo và giải quyết việc làm trong tương lai. Thập niên 1960 Đức từng mở cửa đón khách thợ từ Thổ Nhĩ Kỳ vào làm việc, người Thổ ở Đức hơn 1,5 triệu người. Nhìn lại lịch sử Đức trải qua 2 cuộc Thế chiến I & II người Đức từng rời bỏ quê hương đi tìm đất sống từ năm 1820 cho đến thời đệ nhất thế chiến khoảng 5,5 triệu người Đức trong giai đoạn này đã đến định cư ờ Mỹ.  Ngày nay theo điều tra dân số gần 50 triệu người Mỹ là hậu duệ của những người nhập cư Đức.  Từ  chiến tranh thế giới II, khoảng 400.000 người Đức di cư sang Canada. Theo kiểm tra dân số năm 2006 ở Canada số người nói tiếng Đức 3.179.425 chiếm 10,2 %  dân số Canada. Từ năm 1788 có khoảng 240.000 Đức di dân tới Úc).

http://bit.ly/1gxRHHA

Bộ trưởng Nội vụ liên bang Thomas de Maiziere nói rằng người tỵ nạn 'không thể lựa chọn’ nước định cư và kêu gọi các quốc gia EU khác hành động nhiều hơn. Hiệp ước Dublin vẫn còn giá trị, nghĩa là di dân phải xin tỵ nạn tại nước EU đầu tiên mà họ đến. Cảnh sát Hungary đã đóng cửa tự do đi lại qua biên giới Serbia tại Röszke kể từ ngày 14.9 người nào vượt rào sẽ bị bắt bỏ tù trước khi bị trục xuất. Chính thức thông báo "những con đường chính thức và hợp pháp để nhập cảnh vào Hungary và từ đây đến EU vẫn tồn tại. Do vậy chúng tôi yêu cầu tất cả người nhập cư phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Âu châu ".

Khủng khoảng trước làn sóng di cư và tỵ nạn đến Âu Châu, gây nhiều bất đồng với các quốc gia trong Khối Liên Hiệp Âu Châu, một số nhà lãnh đạo Âu Châu đổ lỗi cho Đức mở cửa đón nhận người ty nạn, di dân ở Syria và những nơi khác vào. Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo nói rằng "vấn đề này chỉ có thể giải quyết được nếu chúng ta cùng hành động. Đây là trách nhiệm của toàn bộ EU. Đức không nhận người tỵ nạn kinh tế".
Hungary, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovakia đã bác bỏ một kế hoạch của EU nhằm phân phối 120.000 người di dân cho tất cả các nước trong khối, nếu bắt buộc họ chỉ nhận người không theo đạo Hồi. Anh Quốc chỉ nhận 2000 người mỗi năm!

Muốn giảm làn sóng người di dân, tỵ nạn, phải chấm dứt chiến tranh Trung Đông. Mỹ và Nga phải chịu trách nhiệm đó. Thế giới phải cứu trợ cho các nước nghèo đói tại Châu Phi. Tin tức về người di dân và tỵ nạn thay đổi từng ngày, Phái đoàn các nước họp hội liên tục tìm mọi giải pháp nào tốt đẹp với lòng nhân đạo của các quốc gia ở Âu Châu. Chúng ta từng thân phận là người tỵ nạn phải rời bỏ quê hương, làm lại cuộc đời với đôi bàn tay trắng thế hệ con cháu  may mắn thành công nới xứ người, Cầu xin Chúa thương xót ban bình an cho họ là nạn nhân chiến tranh trong những ngày tháng còn vô định.


Nguyễn Quý Đại