12.06.2015

Bóng Tối không nhốt được Ánh Sáng

Bóng Tối không nhốt được Ánh Sáng


Từ màn đêm mênh mông này chúng tôi đứng dậy
Đứng dậy trên cái bóng cô đơn của mẹ VN
(Chúng tôi đưa mặt trời lên quê mẹ – Hương Giang)


                                        Nguyễn Đặng Minh Mẫn

Khi thực dân Pháp xử tử 13 chí sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Yên Bái, người Pháp đã rúng động trước sự dũng cảm và tinh thần ái quốc của tuổi trẻ VN. Mười ba người anh hùng trở thành bất tử ngay phút giây tiếng hô “Việt Nam vạn tuế” của họ vang lên dưới lưỡi máy chém của kẻ xâm lược. Khi CSVN ra lịnh bắt cóc và tống giam một loạt 14 thanh niên yêu nước, dù ngỡ ngàng tôi vẫn nhìn thấy ánh sáng của hy vọng từ những người trẻ này trong cái màn đêm mênh mông của đất nước mình! Chắc chắn con số 14 chỉ là con số chúng ta nhìn thấy được.



Tôi vẫn tin rằng người ta khó có thể giam nhốt được ánh sáng. Quả vậy, từ ấy đến nay nó vẫn toả ra từ song sắt các trại tù, từ thái độ và cách hành xử của các thanh niên ấy, điển hình là các anh Trần Minh Nhật, Trần Hữu Đức, Paulus Lê Sơn v.v…

Việt Nam không khác các thể chế độc tài khác, đã từ lâu khủng bố bao trùm lên tâm trí con người, lên toàn xã hội. Nó được áp giải bởi những bản án phủ xuống đầu những người lương thiện và vô tội. Năm 2013, mười bốn thanh niên ưu tú của đất nước đã phải gánh chịu một bản án được coi là “vụ án lật đổ chính quyền” lớn nhất vào thời điểm đó. Trong bài viết này, tôi đặc biệt muốn nhắc đến ba thanh niên bị lãnh án nặng nhất.

Nguyễn Đặng Minh Mẫn là một thiếu nữ trong ba người ấy. Nếu sự can trường của nàng chủ Thánh Thiên ngày xưa đã khiến cho hào kiệt ba xứ Hải Đông phải tìm về quy phục, thì chúng ta cũng tìm thấy sự can trường ấy ở Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Là một thiếu nữ nhỏ nhắn, nhưng cô đã khiến cho quản giáo và bạn tù suốt nhiều dãy phòng của trại giam B34 phải nể phục. Sau 40 năm, nhiều người VN đã quên mất rằng mình đang đứng trên cái di sản bất khuất của lịch sử. Nguyễn Đặng Minh Mẫn không quên điều đó, và chính điều này đã khiến cô trở thành “một người khổng lồ” để những người khác có thể dựa vai. Từ tháng 9/2013 đến nay, biết bao nhiêu lần bị biệt giam vẫn không khuất phục nổi người thiếu nữ nhỏ nhắn, nhu mì, nhưng bất khuất đó.

Học làm nghề thẩm mỹ, nhưng Minh Mẫn còn là một ký giả nhiếp ảnh cổ võ cho công bằng xã hội và nhân quyền. Cô đã đi đến tận những nơi có bất ổn xã hội, hay những cuộc biểu tình chống Trung Cộng để chụp hình đăng tải trên mạng, tạo chú ý cho các sự kiện này.

Gia đình tổng cộng có 4 người thì hết cả ba đã bị bắt và bị kết tội với điều 79 bộ luật hình sự “âm mưu lật đổ chính quyền”: bản thân cô, anh trai và người mẹ.

Thoạt nghe đến vụ án, tôi nghĩ ngay đến hai người phụ nữ VN trong gia đình ấy. Chắc hẳn ngày xưa, trong những câu ru của người mẹ không đơn thuần chỉ có những cánh cò cánh vạc.

Một lần, quản giáo trại giam bắt được hàng chữ Minh Mẫn viết cho mẹ trên cái bo cơm. Biết mẹ đang bị giam trên lầu, và với cái ước mong – một lần nào đó cái bo cơm sẽ mang được nỗi thương nhớ đến mẹ, cô viết : “Bé Ty nhớ má wá” (bé Ty là tên ở nhà của cô). Minh Mẫn bị lệnh biệt giam 15 ngày. Hết hạn, quản giáo buộc cô phải viết đơn xin tha. Minh Mẫn không đồng ý vì cho rằng họ tuỳ tiện bắt giam thì phải tự ý thả, cô nhất quyết không làm đơn xin. Lần lữa đến hết một tháng ròng, quản giáo cuối cùng đành phải thả cô ra.

Án của người thiếu nữ kiên cường này là 8 năm tù giam và ba năm quản chế. Cô hiện đang bị buộc phải lao động cực nhọc tại Trại Số 5, Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Vào ngày 13 tháng 4 vừa qua, theo gia đình cô cho biết Minh Mẫn lại bị kỷ luật, không được nhận thăm nuôi và thăm gặp gia đình. Cô bị biệt giam một lần nữa vì đã phản kháng lại các cán bộ trại giam.
                                           Phero Hồ Đức Hòa

Người thứ hai là anh Phero Hồ Đức Hòa, một người con thuộc Giáo xứ Yên Hòa – hạt Thuận Nghĩa – Giáo phận Vinh. Những ai biết đến Hồ Đức Hoà đều rất mực quý mến và tôn trọng nhân cách của anh. Đó là một người sống cho tha nhân, người hiểu được khổ nạn và hạnh phúc khi vác thập tự trên đôi vai của mình. Là một cử nhân quản trị doanh nghiệp, cử nhân tài chính, kế toán, anh sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp và là giám đốc công ty chứng khoán Trần Đình.

Ngày Hồ Đức Hoà sống ở Giáo xứ Yên Đại – Giáo hạt Cầu Rầm – Giáo phận Vinh, tệ nạn hút chích tràn lan mà chính quyền sở tại gần như phải bó tay. Anh đã không ngại nguy nan, không màng dị nghị, không phân biệt sang hèn, lao vào giúp đỡ những thanh niên cơ nhỡ cai nghiện. Anh đứng ra tự lực tìm cách đưa các thanh niên này về quê để cách ly họ khỏi môi trường cám dỗ gây tái nghiện. Đặc biệt đối với Trung tâm Khuyết Tật 19-3, anh đã cống hiến hết khả năng, công sức, để gây quỹ xây dựng mới cơ sở, gây quỹ học bổng và quỹ ẩm thực cho các em khuyết tật tại Trung tâm được ăn học như các em khác ở bên ngoài.

Ngay khi còn là sinh viên, Hồ Đức Hoà đã tự nguyện dạy kèm miễn phí cho các em học sinh cấp 2 và cấp 3 ở gần nơi anh trọ học. Vào những kỳ hè, anh đứng ra sắp xếp kêu gọi các anh chị em sinh viên cùng về quê dạy hè. Mục đích là giúp các em học sinh ở quê hệ thống lại kiến thức văn hóa; đồng thời, ôn tập các bài học giáo lý và đạo đức sống với một tinh thần cộng đồng trong sáng và lành mạnh. Anh đã từng tham vấn và trực tiếp hoạt động trong các đề án Andervar cho các vùng nông thôn sâu xa, đặc biệt về các kế hoạch dự án nước sạch. Với tổ chức Hữu nghị Công Giáo Việt Nam -Tây Ban Nha, anh đã tận tụy hỗ trợ nhiều địa phương thực hiện các hệ thống điện-đường-trường-trạm. Anh còn là người đồng sáng lập ra “quỹ phát triển con người” để giúp đỡ các em sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, và phát xe lăn cho những người bị tật nguyền.

Dù đã gần 40 tuổi, Hồ Đức Hoà vẫn còn độc thân. Khi những em sinh viên hỏi đùa anh về chuyện lập gia đình, anh tâm sự: “Giáo hội và xã hội đang cần anh, sao anh bỏ mà đi lập gia đình được, lập gia đình rồi sẽ khó làm việc hơn đó các em ạ”. Hồ Đức Hoà là một người anh lớn, một tấm gương sáng cho cộng đồng và các thế hệ tương lai. Trong một bài viết về anh, một em ở Trung Tâm Khuyết Tật 19-3 đã viết như sau: “Anh Hòa ơi, chúng em đang cần anh, và trong lúc đợi anh về thì đang nhắc nhau về những tấm gương sáng của anh cho cả nhóm”.

Vào 16 giờ chiều ngày 9/1/2013, toà án Nghệ An đã tuyên án anh và anh Đặng Xuân Diệu hai bản án nặng nhất: 13 năm tù giam và 5 năm quản chế.
                                    Phanxico Xavie Đặng Xuân Diệu

Anh Phanxico Xavie Đặng Xuân Diệu là một kỹ sư xây dựng, tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng. Là một giáo dân thuần thành của giáo phận Vinh, Đặng Xuân Diệu còn là thành viên và phó nhóm Bảo Vệ Sự Sống Jean Paul II. Anh đã từng tham gia ký tên chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên, biểu tình kêu gọi thả Ts Cù Huy Hà Vũ, biểu tình chống TQ xâm lược… Anh cũng góp sức rất nhiều vào những công tác xã hội như vận động cứu trợ nạn nhân bão lụt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, vận động giúp xe lăn cho những bà con khuyết tật, vận động học bổng cho các em học sinh nghèo…

Tháng 9/2014 gia đình và bạn bè đã bàng hoàng khi nhận được tin do những đấu tranh quyết liệt trong tù, Đặng Xuân Diệu đã bị bạo hành và ngược đãi tàn tệ. Có lúc sợ sức mình không vượt qua được, Đặng Xuân Diệu đã gởi lời trăn trối đến người mẹ già thân yêu đang mòn mỏi đợi chờ!
Theo người bạn tù Trương Minh Tam, điều làm anh khâm phục nhất là ý chí kiên cường đấu tranh vì quyền lợi cho các tù nhân khác của anh Đặng Xuân Diệu. Khi anh Diệu vào buồng giam kỷ luật, tù nhân ở đây không được đánh răng, rửa mặt, … Đi vệ sinh họ không có giấy để lau chùi, toàn bộ chất thải của họ để sát bên cạnh và họ phải sống chung với nó suốt mười ngày. Họ phải hít thở trong một bầu không khí ô nhiễm. Hằng ngày, các cán bộ trại giam đưa thức ăn và chút nước rất bẩn thỉu để họ uống. Bên cạnh đó, tù nhân ở đây cũng không được đọc báo, không được xem tivi, không được thăm gặp gia đình. Khi biết điều này, anh Diệu đã tuyệt thực 10 ngày dù phải ở trong điều kiện khắc khổ của buồng kỷ luật. Anh đã làm đơn yêu cầu trại giam phải huỷ bỏ ngay những biện pháp đối xử với con người không bằng một con vật. Sau đó, trại giam đã chấp nhận ý kiến đề xuất của anh và nới lỏng cho anh em tù trong một số vấn đề như: mỗi ngày anh em được đánh răng và rửa mặt; vào mùa hè khi nóng quá có thể lấy khăn mặt lau qua người và làm như vậy hai lần trong một ngày.

Đặng Xuân Diệu không cho mình là một tù nhân, ngay từ ngày nhập trại anh đã không chịu mặc áo tù. Anh cương quyết đấu tranh cho lẽ phải dù có bị nhục mạ, đánh đập. Những điều anh nhắn với mẹ già qua anh Trương Minh Tam đã tỏ rõ ý chí của anh: “Con xin lỗi Mẹ, là người con út trong nhà, Cha mất sớm, hơn 30 năm nay, Mẹ mang trọng bệnh, gia cảnh thì không có gì, đáng ra con phải chu toàn nghĩa vụ làm con, nhưng Đất nước còn lắm nhiễu nhương, Con đã chọn con đường dấn thân cho Dân Tộc cho Tổ Quốc và bị cầm tù vì đi ngược với quan điểm của nhà cầm quyền. Con tin rằng một ngày không xa nữa con sẽ được về cùng Mẹ, Mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe, chờ tin vui, cầu nguyện cho Con nhiều, Con cũng luôn cầu nguyện cho Mẹ và chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau Mẹ nhé”.

Anh cùng với anh Hồ Đức Hoà bị khép tội là những người cầm đầu. Quả thật, các anh xứng đáng là con chim đầu đàn của thế hệ hôm nay. Sự quyết tâm chấp nhận đớn đau, tủi nhục và thậm chí là mất cả mạng sống để đất nước và các thế hệ tương lai có cơ hội được làm Người. Các anh chính là điều mà lãnh đạo cộng sản e sợ. Họ sợ thứ ánh sáng lan toả từ những thanh niên bất khuất này nên giam nhốt và đày đoạ họ bằng những năm dài tù tội; với chủ đích đánh xập tinh thần bất khuất của cả người trong lẫn người ngoài tù !?

Tuy nhiên tiếp nối họ, người ta nhìn thấy những người trẻ đang góp mặt càng ngày càng đông trong những cuộc xuống đường đòi quyền bảo vệ lãnh thổ, đòi tự do, nhân quyền; bất chấp những đánh đập tàn bạo càng lúc càng gia tăng. Nhìn Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Chí Tuyến, Đinh Quang Tuyến… chúng ta có quyền tin rằng ngoài kia đang có hàng ngàn những bước chân đồng đội của Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Đức Hoà và Đặng Xuân Diệu.

© Đàn Chim Việt