23.04.2015

Buổi tưởng niệm Tháng Tư Đen, 40 năm ly hương và đêm văn nghệ đấu tranh 18.04.2015 tại München

Buổi tưởng niệm Tháng Tư Đen, 40 năm ly hương và đêm văn nghệ đấu tranh 18.04.2015 tại München 



Ngày 30/4/75 là một ngày đen tối mà cho đến hôm nay, sau đúng 40 năm, hầu như vẫn còn in rõ trong tâm trí của toàn dân tộc Việt Nam, của hàng triệu người Việt tỵ nạn tha hương và của biết bao nhiêu người lính VNCH còn sống sót cùng với những cảm nghĩ cay đắng, đau xót.  Kể từ ngày đó, đã có biết bao nhiêu người Việt Nam đã bỏ mình trong các trại tù  cải tạo, bao nhiêu người đã liều mạng bỏ nước ra đi để tìm sự sống trong cái chết và bao nhiêu người đã nằm xuống trong cuộc hành trình gian khổ đi tìm tự do ?



40 năm qua, đất nước Việt Nam vẫn còn chìm đắm trong máu và nước mắt, người dân sống trong đau khổ, oan ức và kềm kẹp.

Để nhắc nhớ lại sự kiện 40 năm mất nước và ly hương, Cộng Đồng Người Việt Tự Do München Bayern đã tổ chức một đêm văn nghệ đấu tranh với chủ đề « Tưởng niệm Tháng Tư Đen, 40 năm ly hương » vào chiều ngày thứ bảy 18.04.2015 tại hội trường Dominikuszentrum München. 

Chương trình khai mạc vào lúc 17 giờ 30, bên trong hội trường có khoảng một trăm chỗ ngồi cho quan khách và ngoài hành lang cũng như ngoài sân cũng có rất nhiều người đến trễ đứng trao đổi hàn huyên hoặc xem những hình ảnh triển lãm là những bài thơ, những bức tranh vẽ nói lên tâm trạng buồn, nỗi nhớ khôn nguôi của người Việt trong cuộc sống tỵ nạn nơi xứ người. Ngoài ra ban tổ chức cũng cho trình bày một số hình ảnh về người lính VNCH đã cố gắng hết sức để chiến đấu và hy sinh trong một cuộc chiến đầy bất công, thiên vị và thiếu thốn. Những hình ảnh của các cựu quân nhân, phế binh đang sống lây lất chịu đựng, hoặc các tử sĩ đã chết nhưng vẫn không yên vì sự trả thù hằn học và chính sách phân biệt nghiệt ngã của đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Qua đôi lời khai mạc, người đại diện của ban tổ chức cũng cho biết vì thời gian sắp tới Cộng Đồng München phải tham gia và yểm trợ biểu tình, hội thảo cho Liên Hội (Berlin) cũng như một vài hội đoàn bạn (Frankfurt, Darmstadt, Wien) nên buổi tưởng niệm 30/4 cũng như 40 năm ly hương trong năm nay phải thực hiện sớm vào ngày hôm nay 18.04.2015. Số lượng khách tham dự đông đảo đến với một chương trình mà tưởng chừng như mang tính chất chính trị khô khan thật là ngoài dự tính của ban tổ chức và đã nói lên tâm tình ray rứt, nỗi lòng thao thức của mọi người  đối với quê hương và dân tộc trong hiện tình đất nước.

Sau phần nghi thức khai mạc, một số đoạn video và pps hình ảnh về hai giai đoạn lịch sử, người dân Việt đi tìm tự do, lìa bỏ chế độ cs vào những năm 1954 và 1975 đã được trình chiếu. Ngoài ra, 2 bài thơ « Lời trần tình» và « Gửi súng cho tao – Nguyễn Cung Thương» thực hiện dưới dạng pps cũng được trình bày để nói lên nỗi lòng, tâm tư của người Việt tha hương hải ngoại hoặc còn trong nước đối với chế độ cs.
« …Thương quê hương, bao lần tôi bật khóc
Thấy lương dân trong kiếp sống khốn cùng…
…Tôi chống anh KHÔNG PHẢI VÌ DĨ VÃNG
Mà là vì HIỆN TẠI với TƯƠNG LAI… »
Lời trần tình – Trần Yên Chiêu


« …Hãy gửi tiền cho những nhà tu
Để họ mở cửa nhà tù
Còn chúng tao là chiến sĩ
Hãy gửi về cho chúng tao vũ khí
Thằng cụt tay sẽ chỉ cho thằng mù mắt bấm cò… »
Gửi súng cho tao – Nguyễn Cung Thương

Một số hình ảnh, đoạn video do các cơ sở tôn giáo tại Sàigon tổ chức vào đầu năm 2015 cho thương phế binh VNCH họp mặt và giúp đỡ cũng đã được trình chiếu. Theo lời ban tổ chức thì kết quả thu hoạch tài chánh của buổi tổ chức hôm nay sẽ được dùng để gửi về trợ giúp cho các thương phế binh còn đang lê kiếp sống tàn, vật lộn mưu sinh kiếm sống qua ngày tại Việt Nam.

Phần văn nghệ do các anh chị trong nhóm văn nghệ Cộng Đồng và các ca, nghệ sĩ thân hữu đảm trách : Văn Nghệ, Minh Cường, Ngọc Huệ, Ngọc Thu, Ngọc Thủy, Văn Lợi, Johnny Nguyễn đã trang trải tấm lòng qua những bản nhạc gửi gấm tâm tình quê hương, tình lính và thân phận, nỗi niềm tỵ nạn như : Lời Mẹ nhủ khuyên, Vá cờ (Ve sầu), Tình yêu tình người (Trúc Hồ), Hai mươi năm tình người viễn xứ (Lê Đình Chương), Sàigòn niềm nhớ không tên (Nguyễn Đình Toàn), Thư cho Mẹ (Trần Quang Lộc), Đêm chôn dầu vượt biển (Châu Đình An), Việt Nam tôi đâu (Việt Khang)…

Xen kẽ vào đó là những bài hợp ca Việt Nam Việt Nam, Việt Nam quê hương ta ngạo nghễ, Nhà Việt Nam… mà tất cả mọi người  cùng hát chung, ai không thuộc bài thì vỗ tay thật to, cùng hướng về quê hương, mong mỏi một ngày mai Việt Nam sẽ tươi đẹp hơn. Những bài thơ nung ý chí đấu tranh, khơi dậy niềm hy vọng cũng được chọn lựa ra và đọc lên cho mọi người cùng lắng nghe, cùng dâng trào một niềm tin mới cho đất nước, dân tộc.

« …Bốn mươi năm nợ với núi sông
Hỡi những người con giống Lạc Hồng…
…Cờ vàng phất phới bầu trời Việt
Sạch bóng cộng nô thỏa ước mong »
Tháng tư buồn (Phượng Trần)

« …Và anh… người còn lại… thật lạ thường
Sau những tháng năm dài gọi là « học tập …
Vẫn còn đó hùng khí hiên ngang
Và chờ đợi một tương lai bừng sáng »
Viết cho anh (HKT)
« …Quê hương vững tin rằng
Lửa người Việt năm châu
Được thắp lên trang sách
Truyền ánh đuốc niềm tin

Về quê hương ta đó
Đến ngày có tự do
Cho ta viết trang cuối
Chấm hết đời lưu vong »
Hãy viết (Cao Minh Hưng)

Họa sĩ Lê Đức Lập thuộc hội NVTNCS ở Odenwald đã vẽ tặng bức tranh « Thuyền nhân trên sóng » để bán đấu giá giúp thêm vào quỹ yểm trợ thương phế binh VNCH. Bức tranh vẽ cảnh biển cả mênh mông, một con thuyền tỵ nạn trôi nổi, hụp lặn trên những đợt sóng dữ dằn, biên giới tử sinh là đây, những người đã từng trải qua một lần vượt biển lặng nhìn. Bức tranh thật có hồn, sáng rực dưới ánh sáng màu xanh của ngọn đèn chiếu phim; Không khí yên lặng, có tiếng thở dài u uất. Một phần vì yêu và cảm bức tranh, một phần vì muốn giúp đỡ thương phế binh nên có người tuy không thể ra giá cao được nhưng cũng cố gắng đóng góp thêm một phần tiền vào trị giá bức tranh. Lúc đầu một người, rồi hai người, rồi hàng chục người góp thêm tiền. Số tiền lên đến cả ngàn Euro.

Trong giờ giải lao, mọi người đã tận tình chiếu cố đến những món ăn quê hương thật ngon do ban ẩm thực Cộng Đồng và các thân hữu đã dành thì giờ chăm chút nấu nướng và mang đến ủng hộ, họ mang đến thật nhiều: Bánh cuốn chả lụa, cháo gà, xôi lạp xưởng, bánh mì xá xíu, càri gà, mì xào… và các món bánh trái tráng miệng nữa. Ban tổ chức đã lo trong bụng là sợ bán không hết vì dự tính sẽ không có nhiều người đến. Nhưng mà ngon quá, mọi người cứ mua thật nhiều, mua để ăn và mua mang về, trước là để thưởng thức, sau là giúp thêm được một ít vào quỹ yểm trợ. Có người hỏi đùa : « Mua chi nhiều vậy, ăn sao hết ? Ăn không hết thì mang về nhà ăn tiếp ! Hoặc : Mua nhiều quá, tới phiên người khác mua thì hết rồi làm sao!  Không sao, hết thức ăn thì cứ bỏ tiền vào thùng ủng hộ !  Hoặc như ở bàn bia ngoài sân : « Tui không ăn đâu, để bụng uống bia cho nhiều, nhậu dzới bạn bè cho dzui, mua cả két bia đem ra, trước uống mua dzui, sau làm dziệc nghĩa ! »  Có nhiều người nói, tánh tình người Việt Nam mình khó khăn, ích kỷ, hay tị nạnh, dễ hiềm khích, không biết đoàn kết, chỉ biết thân mình… Bản thân người viết không biết đúng sai như thế nào, nhưng cứ nhìn trước mắt thì biết là thấy vậy mà không phải vậy. Có như thế mới hiểu được vì sao dân tộc Lạc Việt chúng ta được bền vững và còn tồn tại qua bao nhiêu thăng trầm của gần năm ngàn năm lập quốc.

Người viết đan cử thêm một thí dụ : Một chị thân hữu cuả Cộng Đồng, người không được khỏe lắm, lại còn phải đi làm việc kiếm sống nữa, nhưng cũng tình nguyện bỏ thì giờ thực hiện tấm hình Plakat cho buổi trình diễn, rồi ghi tên hát hò giúp vui thêm vào các tiết mục văn nghệ. Hoặc một chị thân hữu khác, phải làm việc cuối tuần, nhưng cũng xung phong nhận lời làm thức ăn mang ra ủng hộ gây quỹ, rồi còn lấy thêm tiền túi đóng góp nữa… Kể nữa thì sẽ dài dòng lắm !  

Đến gần 12 giờ đêm, chương trình mới kết thúc, các anh chị trong Cộng Đồng còn nán lại dể thu dọn bàn ghế, chén dĩa và lau chùi đến quá nửa khuya, chân tay rã rời, mỏi mệt . Nhưng thấy mọi người ai cũng vui vì buổi tổ chức thành công. Dù trời đã khuya nhưng một số anh chị em trong Cộng Đồng còn ngồi lại tâm tình chia sẻ với nhau. 30 tháng tư năm nay tuy München không có biểu tình, nhưng chúng ta đã có dịp ngồi chung ôn lại quá khứ 40 năm qua chưa hề phai nhạt trong lòng mọi người. Đối với mọi người Việt Nam chúng ta, tuy đã 40 lần quốc hận, nhưng còn CS nắm chính quyền là còn quốc hận, là còn quốc kháng, là còn chiến đấu chống CS, để xây dựng tự do dân chủ cho đất nước, thoát vòng kiềm tỏa, nô lệ cho ngoại bang.  Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn ở trong và ngoài nước. Anh em đã nhắc nhở nhau như thế ! 

Người Munich (04.2015)

Một số hình ảnh buổi tưởng niệm : 

















Toàn bộ hình ảnh đêm văn nghệ đấu tranh, tưởng niệm Tháng Tư Đen và 40 năm ly hương tại München

(Photos: Nguyễn Quí Cường, Nguyễn Quý Đại, Lê Quang Thành)

Hình ảnh, phim trên Youtube  (video Nguyễn Quí Cường)