03.03.2015

Cảm Nghĩ Về Bốn Mùa - Trung Đạo NVN

Cảm Nghĩ Về Bốn Mùa

(Nhân chủ đề đặc san Xuân Ất Mùi 2015:HẢI NGOẠI & BẢO TỒN QUÊ HƯƠNG của Hội Ái Hữu Gò Công –Nam Cali-USA)                           
*Trung Đạo NVN

Mùa thu ở Âu Châu khí trời se lạnh và sương mù đã bắt đầu giăng phủ khắp đó đây. Thường thì sương phủ mịt mờ vào những buổi sáng tinh sương kéo dài cho đến khi mặt trời lên hay đôi lúc còn dày đặc cho đến khi mặt trời đứng bóng. Sương cũng thường khi xuất hiện vào những buổi chiều tàn trước khi hoàng hôn phủ chụp. Nếu ai đã từng dong ruổi đường xa, băng qua những cánh đồng bát ngát vào những buổi chiều tà, tất sẽ có cơ hội dõi mắt xa xa ngắm từng cụm sương mờ bao phủ cỏ cây, dấu che từng khóm nhà đang lẫn khuất dưới sương, lúc ráng chiều đang dần dần khuất bóng. Thật là một nét đẹp nhẹ nhàng mờ ảo như sương!


Sương còn là biểu tượng cho sự phù du của cõi thế, mà ngàn năm trước nơi Cõi Việt, có một vị thiền sư đã từng dặn bảo chúng đệ tử rằng: „Nhậm vận thịnh suy vô bố úy- Thịnh suy như lộ thảo đầu phô“, đại ý : „Sợ gì suy thịnh thế gian- Thịnh suy như cỏ bên đàng treo sương!“. Thật là thâm thúy và đáng ngẫm nghĩ thay! (Quốc sư Vạn Hạnh đời Lý, khoảng năm 1018)

Ngoài ra, tôi cũng đã từng chạy chầm chậm trong sương mù vào những buổi sáng với đèn pha và đèn chống sương mù vì chỉ thấy lờ mờ đèn xe phía trước. Nhưng cũng may, sự mờ mịt này cũng chỉ đòi hỏi hết sức thận trọng trên một đoạn ngắn mà thôi, chớ không chí suốt cả một quảng đường xa. Vì vậy mù sương cũng mang đến cho con người, đặc biệt là cho tôi có những phút giây căng thẳng tuyệt vời những khi có dịp đắm mình trong sương phủ, rồi sau đó là cảm giác thở phào nhẹ nhõm khi thoát qua được vùng sương mù che kín lối đi. Không giống với cảm giác sảng khoái, thân thương, thích thú của lần đầu tiên xuống xe để đắm mình trong sương trên đỉnh đèo Hải Vân của Việt Nam ta, còn được mệnh danh là „Nam Thiên Đệ Nhất Hùng Quan“ trong thời chiến loạn. Lần thứ hai cách đây chừng 20 năm, khi có dịp đi qua và nán lại giây phút để thưởng thức cảnh thiên nhiên hùng vĩ này của quê ta, mặc dù thời tiết lúc đó khoảng chừng tháng năm tháng sáu.

Một đặc điểm khác của mùa thu là mưa cũng thường mang đến cho thế nhân những ai hoài cảm khái miên man, như những cơn mưa dài rả rích được ngồi trên xe khách lặng ngắm ruộng vườn mộc mạc hẻo lánh nơi quê ta, ngắm trâu bò núp mưa trong chuồng hoặc dưới lùm cây, ngắm những trẻ con cởi truồng chạy giỡn tắm mưa, hoặc những cây rơm, tàu chuối dầm mình trong mưa. Riêng tôi cũng đã từng có những cảm giác sảng khoái tuyệt vời dưới mưa. Đã từng một mình một xe không mui, bình thản lao nhanh về phía trước để rút ngắn quảng đường xa mặc cho gió mưa dần thấm lạnh. Có lúc cùng người nghĩa đệ thân yêu từ rừng về rẫy, vừa đối thơ vừa rảo bước trong một buổi trời chiều giông to gió lớn nơi núi rừng Phú Mỹ.

Và cũng thật khó quên một buổi trời chiều mưa dông xối xả, ngồi núp hờ dưới một chòi canh nhỏ để ôm đứa cháu vào lòng tránh mưa, và sau đó mạo hiểm đầu trần đội mưa chạy băng ra đường cái, chờ đón xe quá giang về Biên Hòa từ trại tù Suối Máu nhân lần đưa người chị dâu và đứa cháu ruột đi thăm ông anh vào những tháng năm dài sau cơn đổi đời bi thảm. Lần đó thật khó thể nào quên tấm tình người muôn thuở, sâu xa hơn là tấm lòng trượng nghĩa nhân đức của một đôi vợ chồng trẻ đã chẳng những không ngại mưa to gió lớn và quảng đường rừng vắng vẻ dừng lại chờ đón chúng tôi cùng một gia đình khác có người mẹ dắt bầy con lủ khủ khoảng 4-5 trẻ nheo nhóc đi thăm chồng, để đưa về phố thị, mà còn mời về nhà cho mượn đồ thay để sưởi ấm, nấu cơm cho ăn và thu dọn chỗ cho nghỉ lại qua đêm… Quả là một cơn mưa to nhuận thắm tình người, đã in sâu trong lòng tôi trước một tình cảnh hết sức ngặt nghèo!. Nhưng đó không phải chỉ là lần duy nhất, chắc chắn đối với mọi người và đặc biệt với riêng tôi, mưa còn chập chùng muôn vàn kỷ niệm.

Nhưng bâng khuâng nhất vẫn là những chiếc lá thu vàng rực rỡ trên chòm cây ngọn cỏ dưới trời sương, trong nắng sớm, hay dưới những cơn mưa buồn thấm lạnh tại Âu Châu. Lá vàng được chuyển hoá từ những nụ mầm, và từ những chiếc lá xanh tươi mát, tràn đầy sức sống, vừa lặng lẽ trước những ngọn gió đông buốt giá, vừa lâng lâng vươn vượt chào đón gió xuân, vừa ngạo nghễ dưới những tia nắng hè chói chang, để rồi sau một thời gian khá dài phe phẩy đã đến lúc phải từ từ lìa cành, rụng rơi lác đác từng ngày theo với định luật tuần hoàn của tạo vật. Nhưng dù vậy, khác hẵn với sương mù tan trong vô hình, giọt mưa thấm sâu vào lòng đất, lá vàng chỉ thỉnh thoảng tung bay cợt đùa với gió, còn thường thì phủ ngập đầy sân, chung quanh cội gốc, đã vô hình chung đưa ra được một hình ảnh đạo lý tuyệt vời: Lá rụng về cội để sưởi ấm tâm tình nhân sinh trong mùa đông băng giá.

Những buổi sáng thu lặng nhìn lá rụng, mà bồi hồi cho thân phận mình cũng như cho đàn chim Việt đang tung cánh khắp bốn phương trời tạm dung, mà ai đó dù đang soải cánh hay đang mỏi cánh có còn nhớ chăng :Việt Điểu Nam Sào ?! Có còn thời gian lặng ngắm lá vàng rơi rụng, và những thao thức làm sao để cho lá được rụng về cội một cách đúng nghĩa và thiêng liêng nhất hay không?! Nhất là có bao giờ nghĩ tới hay được nghe kể về 2 câu thơ đề trên bia mộ 72 Liệt sĩ Trung Hoa tại Hoàng Hoa Cương ở Quảng Châu và trên đó có mộ phần Liệt sĩ Phạm Hồng Thái với nguyên văn: „Lạc hồng bất thị vô tình vật- Hóa tác xuân nê cánh bộ hoa“?! Đại ý là :“cánh hoa tàn rơi xuống đất, không phải vô tình mà rớt xuống, nó còn muốn tự biến thành phân bón cho những bông hoa khác mọc lên trong mùa xuân mới“*. Một chiếc lá rụng, một đóa hoa rơi mà còn ẩn tàng một đạo lý tuyệt vời như thế, huống chi một kiếp con người như chúng ta, đáng ngẫm nghĩ chăng !! *(Theo Vương Hồng Sển, trong Tạp Bút năm Nhâm Thân, trang 180).

Còn nghĩ về mùa đông tuy vạn vật đìu hiu, tuyết rơi trắng xóa, cây cối trơ cành trụi lá, tưởng đâu là đã chết khô giữa trời đông lạnh. Nhưng trái lại, chính là thời điểm di dưỡng và chuyển hoá tuyệt vời, để tô điểm cho luật tuần hoàn: THÀNH- TRỤ- HOẠI- KHÔNG! Bởi vậy mà một nhà thơ với tâm hồn đạo sĩ, có lần đã cảm hứng:

Đông tuy lạnh nhưng không thể thiếu
Luật tuần hoàn vi diệu cao thâm
Chỉ là những khách hữu tâm
Mới hay đạo lý đêm đông tuyệt vời!“.

Mà quả thật, với con người, Chúa đã giáng sinh ra đời trong một đêm đông băng giá. Với cây cỏ và muôn loài, mùa đông tuy là mùa như có vẻ để thu gọn, nghỉ ngơi; nhưng kỳ thực lại là mùa phấn đấu để chuyển hoá và dưỡng nuôi sức sống không ngừng. Đồng thời cũng lại là một chặng đường cuối trên một chu trình quay, vừa để biểu hiện đạo trời:Vật cùng tắc phản- Vật cực tắc biến nhiệm mầu, vừa là một chuẩn bị trọn vẹn nhất để đón mời Chúa Xuân, cho ngàn hoa đua nở, cho „búp non thêm xanh- chuyển hoá đời đời- không bao giờ dứt“(Tâm Kinh Việt Võ Đạo).

*
*   *

Bây giờ, trở về với chủ đề: Hải Ngoại & Bảo Tồn Quê Hương do Hội Ái Hữu Gò Công Vùng Nam Cali-USA chủ xướng cho Đặc San Xuân Ất Mùi 2015, quả là một đề tài bao quát. Có thể dễ dàng cảm nhận nhưng không dễ để trình bày, bởi vì có rất nhiều lãnh vực cần đáng được quan tâm- Mặt khác, cho dù có nói bao nhiêu cũng sẽ không bao giờ đủ! Đó là lý do mà tôi xin được cảm nghĩ về bốn mùa trước để gởi gắm chút tâm tư và tình tự quê hương..  Hy vọng, nó sẽ vừa đủ để đáp tình với người bạn quý đã mời gọi tôi góp bài, và cũng vừa để gợi chút hương xuân vui cùng bạn đọc gần xa nhân buổi Xuân về.

Ở vùng trời Hải Ngoại này, cho dù là Âu-Á-Úc-Mỹ hay Canada..  cũng đều là những khung trời tự do, trong đó có xã hội đa văn hóa, đầy ắp tình người và ẩn chứa nhiều cơ hội để vươn lên. Do đó Cộng Đồng Việt Hải Ngoại của chúng ta nói chung, các Thế hệ Trẻ của Việt Nam nói riêng, quả thực là may mắn khi được sống trong những môi trường này, tuy không cùng chung phong tục và ngôn ngữ, nhưng lại là xứ sở của văn minh tiến bộ, có tinh thần dân chủ, có ý thức nhân bản.. Cho nên, thiết tưởng trước hết, chúng ta rất cần có đủ ý thức trách nhiệm của một công dân để biết sống với tinh thần hòa hợp cảm thông, hầu có thể tích cực góp phần hoàn thiện hóa con người, lành mạnh hoá xã hội, nhân bản hóa môi trường mà chúng ta đang sinh sống .. bằng vào những giá trị Việt  và tinh thần hội nhập của chúng ta.

Do đó nhu cầu Bảo Tồn Quê Hương vừa là một yêu cầu khẩn thiết, lại vừa là một nhu cầu trường kỳ, làm sao để đáp đúng đây?! Nhìn lại thế hệ thứ nhất khi đặt chân đến vùng trời xa lạ của những ngày đầu tiên thì đến nay có người đã nằm xuống, có người đã già yếu, và đa số thì đã không còn trẻ nữa. Mà hầu hết đều đã cố gắng rất nhiều để có thể tiến vững trên đường hội nhập, song song với việc gìn giữ bản sắc đặc thù của dân tộc Việt Nam. Mà nỗ lực chung này ở nhiều nơi, đa số đã thành công.

Nếu hỏi rằng tại sao chúng ta phải cố gắng gìn giữ bản sắc đặc thù của dân tộc Việt Nam, mà nói nôm na là „Hồn Nam Tính Việt“ cho ta và cho đàn cháu con ?! Đó là vì chúng ta  là người Việt nên không được phép quên nguồn gốc Việt của mình. Nếu như chúng ta chọn thái độ sống vô trách nhiệm đối với nguồn gốc, thì chẳng những cuộc sống của chúng ta khó tránh được cảnh vô hồn, thế hệ con cháu của chúng ta sẽ mất hẳn hướng đi trên hành trình dân tộc, mà xã hội chúng ta đang sinh sống cũng sẽ bị ô nhiễm trầm trọng do những phần tử vô hồn, mất gốc gây ra.

Nhưng nỗ lực này (bảo tồn quê hương trong cách sống) đối với thế hệ thứ hai và những thế hệ kế tiếp thì sao? Ta nhận thấy thực tình không đơn giản! Vì xã hội mới mà chúng ta đang sinh sống, đối với những thế hệ cháu con được sinh đẻ tại đây thì đáng là môi trường nhân bản, tốt đẹp về mọi mặt, kể cả những cơ hội học hỏi để tiến thân. Nhưng lại là một môi trường ẩn chứa nhiều nguy cơ mất gốc, do ảnh hưởng của phong tục-văn hóa-thịnh về văn minh vật chất, sự phát triển vượt bực về khoa học- kỹ thuật .. Đó là chưa nói đến những tác hại không nhỏ của những sinh hoạt cặn bã mà bất cứ xã hội nào cũng có, sẽ ảnh hưởng nặng nề, nếu như Việt tínhtrình độ tự chủ của tuổi trẻ Việt Nam chưa đủ vững.

Mà tình trạng: Thiếu GỐC- thiếu HỒN- thiếu HƯỚNG (nếu có) của những thế hệ con cháu về sau không là điều khó hiểu, khó thấy trong đời sống thường ngày của chúng ta; nếu như nền tảng giáo dục gia đình của từng đơn vị tiểu gia không còn được coi trọng và nuôi dưỡng; nếu như từng mỗi Cộng Đồng không có đuợc những hướng xây dựng đúng cách (với tầm rộng lớn và có ảnh hưởng lâu dài ), cũng như có những sinh hoạt lành mạnh và thường xuyên (trong phạm vi địa phương) dể đùm bọc và nhắc nhở lẫn nhau, thì chỉ cần sau vài thế hệ, chắc chắn sẽ chỉ còn thấy có Người Mỹ, Người Pháp, Người Đức .. gốc Việt đúng theo danh gọi của nó mà thôi!  Như vậy, công cuộc bảo tồn quê hương trong cách sống thường ngày của chúng ta quả là vô cùng quan trọng, rất cần một sự đồng cảm sâu xa, nhất là một sự đồng bộ chung của tất cả chúng ta.

Hy vọng, tinh thần „Uống Nước Nhớ Nguồn“ và ước vọng „Lá Rụng Về Cội“ sẽ được mọi người, mọi nơi quyết tâm vun đắp.


Viết cho Buổi Đầu Xuân Ất Mùi – 2015

Trung Đạo
Nguyễn văn Nhàn
Cảm Ghi ngày 30.11.2014