20.01.2015

NỘI - NGOẠI - Minh Trang

                      NỘI  - NGOẠI

Thời thơ ấu,

Lúc lên 7 hay 8 tuổi, lúc tôi đã biết đọc biết viết, những cuốn sách Hồng, Tuổi Hoa hay những trang báo thiếu nhi trong những tờ nhật báo thời đó đã được tôi ôm vào lòng hay say mê đọc nghiền ngẫm các đề tài ông bà ngoại hay ông bà nội.


Nào là ….bà tôi mái tóc bạc phơ lưng còng đi đứng tới lui khó nhọc nhưng mỗi lần đi đâu về bà đều mua bánh mua quà cho các cháu…..

Hay:  Ông tôi thật già đi đâu cũng chống gậy nhưng ông thương yêu và quý chúng tôi bội phần.  Ngồi cạnh ông chúng tôi luôn được xoa đầu hỏi han chuyện học hành, ông hay kể chuyện cổ tích cho anh em chúng tôi nghe….vv….vv…

Tôi không có cái may mắn hay phước phần như những bạn bè khác, từ khi sinh ra và lớn lên tôi đã không hề được nhìn thấy hay gọi một tiếng ông bà nội hay bà ngoại bao giờ.

Ba tôi bỏ quê nhà Thanh Hoá ra đi từ khi còn rất trẻ, năm 1940 hay 1942 gì đó.

Quê nhà theo ông kể thiệt là nghèo phần chiến tranh liên miên phần cường hào ác bá vì vậy cho nên cuộc sống người dân thấp cổ bé họng thập phần khốn khó.

Ông phiêu bạt dần dần vào đến Huế, nơi này cũng không mấy khá hơn đời sống nổi tiếng là đất cày lên sỏi đá mà.  Duyên số ông gặp má tôi rồi lập gia đình sinh ra anh tôi vào năm 1947, chị tôi 1949 rồi lên lập nghiệp ở Đàlạt tới nay.

Đàlạt, thành phố dễ thương hiền hòa này tôi và các em được sinh ra đời, ông hay nhắc sông Bến Hải là nơi chia cắt hai miền cũng như núm ruột của ông chia lìa từ đó.

Ít và hiếm khi nghe ông nhắc về quê nội, phải chăng ở đó chỉ là đau buồn nghèo khó tả tơi và cả trái tim con người cũng dần dần khép kín?

Má tôi quê ở Thừa Thiên An Cựu, gia cảnh cũng chẳng khác gì ba của tôi nhưng bà lâu lâu thì lại bùi ngùi nhắc đến:

Nhà mình nghèo xơ nghèo xác, bà ngoại lại qua đời khi sinh ra cậu út.  Cả nhà sống nhờ một tay bà xoay sở lớp buôn bán tảo tần lam lũ, lớp chằm nón lá bài thơ lây lất sống qua ngày cùng ông ngoại và các cậu……

Sống ở Đàlạt vài năm thì cuộc sống gia đình chúng tôi đã tạm ổn.  Nhìn cuộc sống có chút ăn chút để, má tôi ao ước một lần rước ông ngoại từ Huế vào Đàlạt phụng dưỡng báo hiếu những chuỗi ngày cơ cực đã qua.

Và …một ngày đẹp trời ông tôi đã vào tới Đàlạt.

Nhưng!  Hoàn toàn trái ngược với những bài thơ hay văn mà tôi đã đọc, khác hẳn với ông ngoại của bạn bè mà tôi từng quen biết và không giống ông ngoại nào ở chung quanh xóm tôi cư ngụ.

Ngày má tôi đón ông vào….

Mới bước vô cửa, ông nhìn quanh căn nhà bỏ mặc chúng tôi đang đứng xung quanh chờ ông để thưa chào.  Ông đi thẳng đến chiếc đi văng mà má tôi đã dọn sẳn .. đặt mình xuống lấy mền đắp rồi thì nằm im lìm không một lời!

Ngày đầu cả bọn ngơ ngẩn cứ nghĩ là đi máy bay đường xa nên làm ông mệt, hy vọng chờ đến ngày mai ông khoẻ lại sẽ gọi anh em chúng tôi đến hỏi han xoa đầu cho bánh kẹo …như sách vở đã diễn tả.

Nhưng!

Ngày một, rồi ngày hai …sang đến ngày ba…

Cứ ba bữa ăn má tôi dọn sẳn, ông ngoại chúng tôi thức dậy ăn uống …xỉa răng rồi lại đi nằm….

Và đám cháu ngoại đứng rơ rơ …..dần dần đến né xa!

Chúng tôi có vài lần hỏi má sao ông ngoại không ngó ngàng gì tới mấy đứa cả.

Má tôi cười với nụ cười thật buồn …chắc ông ngoại già và cũng xa lạ với hết thảy các con đó. Câu trả lời này không thỏa đáng chút nào nhưng thấy má buồn anh em chúng tôi đều lắng im.

Thời gian cứ dần trôi,

Ba tháng, rồi sáu tháng…rồi một năm.

Hai chữ ông ngoại đã bỏ anh em chúng tôi và đi xa ngàn dặm.

Ở Đàlạt, ông tôi còn có hai cậu con trai hiếm khi thấy hai cậu đến đón ông về nhà thăm, chỉ lâu lâu hai cậu ghé nhà má tôi lại lăng xăng lo hầu cơm nước, ăn uống xong các cậu đi về ông tôi lại đặt mình lên chiếc đi văng quen thuộc im lìm nghỉ ngơi.

Ông ngoại của chúng tôi.

Lâu lắm rồi từ khi ông vào ở với gia đình mắt ông chưa một lần nhìn đám cháu ngoại,miệng ông chưa lần mở, chân ông chưa lần đi đến gần chúng tôi hỏi han và hình như ông cũng chưa nở một nụ cười nào.

Cảm giác của anh em chúng tôi dần dần đi đến …né tránh ông ngoại.

Ôi!  Cái cảnh xoa đầu, cho bánh kể chuyện cổ tích trong sách vở ….làm tôi lắm lúc đâm ra nghi ngờ…Không chừng mấy vị viết văn thơ đó không mấy thật lòng diễn tả lắm à nha.

Má tôi thì thật là tội nghiệp, phần thương ông ngoại phần xót xa cho đàn con… Hai năm sau đó bà đưa ông trở về An Cựu.  Thật nhiều lần bọn chúng tôi đã xà vào lòng của má, nằm lên đùi của má, áp mặt vào lưng má và hỏi han sao ông ngoại tụi con khô khan, không thương tụi con như những ông ngoại hàng xóm?

Ui!  Chưa lần nào mắt má buồn như vậy, bà nhìn đâu đó xa xăm vào khoảng không thật lâu với giọng kể thiệt là bùi ngùi bà cho chúng tôi biết nguyên nhân:

Như các con đã biết, làng mạc nơi má sinh ra nghèo lắm, nhà 5 anh em với ông ngoại sống bữa đói bữa no, má là đứa con gái đẹp nhất trong nhà nên chung quanh rất nhiều nơi ngắm nghé.

Lắng im một hồi thật lâu rồi bà kể tiếp:

Ai ai ngỏ lời má cũng không ưng chịu vì gia cảnh không khác gì nhà mình.  Cái đói cái nghèo cứ vây quanh bên chân đi theo như hình như bóng năm này sang tháng nọ nên má nhủ thầm trong lòng có cơ hội rời xa nơi đây là má sẽ nhất định đi ngay không chút luyến lưu.

Rồi ba các con đi ngang qua, ông là mẫu người lãng tử, ăn nói ngọt ngào, có nghề làm bếp chính cho một viên công sứ người pháp, vừa gặp má đã đem lòng thương mến vừa nhìn má đã biết đó là mẫu người má sẽ lập gia đình.

Nhưng thời gian sau đó ông ngoại biết được và ngăn cấm nghiêm nhặt, ông chỉ muốn má sống quanh quẩn bên liếp nhà, làm nghề chằm nón lá chăm lo gia đình và nếu ưng ai cũng phải là được ông ưng thuận và một tay ông đứng ra gầy dựng.

Cuối cùng thì bà đã bỏ nhà đi theo ba chúng tôi….đi thật xa lên tới Đàlạt lập nghiệp và vì như thế cơn giận của ông ngoại chúng tôi cứ vậy tăng dần cho đến khi má tôi quay về rước ông vào Đàlạt phụng dưỡng.

Ông ngoại tôi “ừ”  đi theo con gái mà cơn oán giận ông cũng gói mang theo kết cuộc đám cháu ngoại vô tội bị ông ghét lây theo nổi hờn giận của người lớn.

Và kỷ niệm cùng ông ngoại chúng tôi trong hai năm dài thật là quá sức tiếc nuối, ít oi. Chúng tôi hầu như không có tí gì để có thể mang ra khoe với bạn bè cùng trang lứa.

Rồi ba má chúng tôi cũng đã qua đời.

Tôi lập gia đình sau đó vài năm, hi hữu thay đứa con đầu lòng được sinh ra cũng vỏn vẹn có được mỗi mình bà nội. (Ông nội qua đời rất lâu trước đó).

Ngày cháu ra đời, bà nội ngồi chờ cả đêm trong bệnh viện.  Khi cô y tá mang cháu ra thì bà đã giang hai tay ôm cháu vào lòng rồi suốt ngày bế ẳm nâng niu.

Nhà tôi nhắc chừng:

Má bế cháu lâu ngày quen hơi, khi má về thì ai bồng cháu đây?

Bà cười:

Thây kệ bọn bây, cháu nội của bà thì bà phải ẳm mà thôi.

Đầu năm mới, chúng tôi mang cháu về quê nội. Phan rang nóng nực mồ hôi đầm đìa dù là những ngày đầu năm.

Mồng ba tết, bà cháu đi mua sắm đầu năm và lúc trở về thì hai tay hai giỏ  đầy.  Cái gì cháu đòi bà cũng: Ừ! để nội mua …..

Một thoáng ngậm ngùi làm tôi nhớ về ông ngoại của chúng tôi.  Hai cảnh trái ngược của tình thương và nổi oán hờn.  Thì ra sách vở đã viết nói không sai điều gì cả, chỉ có tôi vô phúc không hưởng được chút nào tình yêu thương của ông bà nội ngoại.  Cảm giác và nổi niềm mơ ước được nép một lần vào lòng ông bà hay cầm những bàn tay nhăn nheo lên rồi âu yếm đặt một cái hôn hoặc là ngồi lắng im nghe kể những câu chuyện mà thời thơ ấu chỉ mới ao ước được nghe kể là đã thấy sung sướng thật rồi…..Đơn giản như vậy mà cả đời tôi chưa một lần nhận được.

Nhìn các con của chúng tôi khôn lớn trưởng thành và đã lập gia đình.  Nay mai bọn chúng cũng sẽ mang cháu nội ngoại về nhà chào hỏi.  Chắc chắn một điều các cháu nội hay ngoại của tôi đều sẽ được tôi yêu quý nâng niu và sẽ vui sướng làm sao khi bên nay bọn trẻ gọi tôi là bà ngoại rồi quay sang bên kia bọn trẻ lại gọi tôi là bà nội.  Nhất định tôi sẽ làm bà nội bà ngoại thật tốt để quên đi những gì ông tôi đã đối xử với chúng tôi trước kia.

Hoa tàn, hoa rơi rụng.  Mùa xuân lại trở về nơi nơi cây cối sẽ thi nhau đâm chồi nở lộc, tôi sẽ đặt cho những mầm cây non này cái tên là mầm yêu thương và mong rằng con người sẽ mở rộng trái tim mình để chắc chắn một điều là không phải tại nghèo khó mà đánh mất tình cảm thiêng liêng hay đổ lỗi cho đói nghèo mà trái tim mình thu bé lại.  Hay là đổ lỗi cho con cái không đồng cảm với những điều mình mong muốn như ông ngoại chúng tôi mà ghét bỏ con cháu mình.

Chắc chắn là những lỗi lầm của người xưa sẽ là tấm gương cho nay soi sáng và chúng tôi sẽ chẳng bao giờ hành xử hay đi lại vết xe của ông tôi.

Con dâu, con rể, con gái, con trai …..Một đại gia đình chỉ mong cầu hạnh phúc và đầy tình người, bậc làm cha mẹ chỉ dùng những chữ yêu thương chân thật mà ban phát ra.

Hãy sống vui, sống thật hài hòa an bình, có như vậy tiếng gọi ông bà nội ngoại từ đám con cháu mới ngọt ngào và chan hòa hạnh phúc.


                                                  Minh Trang
                                               Munich - Germany